​QUAN HỆ  VIỆT NAM – ÁC-HEN-TI-NA:

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, các chính quyền độc tài quân sự có quan hệ ngoại giao với ngụy quyền Sài Gòn, nhưng phong trào quần chúng nhân dân Ác-hen-ti-na đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ phát triển mạnh mẽ.

Ngày 25/10/1973, dưới chính quyền Pê-rôn, Ác-hen-ti-na lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 1/1995, Việt Nam lập Đại sứ quán tại Bu-ê-nốt Ai-rết. Tháng 2/1997, Tổng thống Mê-nêm thăm chính thức Việt Nam và khai trương Đại sứ quán Ác-hen-ti-na tại Hà Nội.

Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn thăm các cấp, nổi bật về phía bạn có các đoàn Tổng thống Các-lốt Mê-nem (2/1997), Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại thương và Tôn giáo Gui-đô Đi Tê-la (6/1996), Bộ trưởng Tư pháp G. Campô (1999), Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện R. Pu-ê-rơ-ta(10/2000), Thứ trưởng Ngoại giao Víc-tô-ri-ô Ta-xê-ti (6/2010), Đoàn Phó Quốc vụ khanh phụ trách ngoại thương- Bộ Ngoại giao, ngoại thương và Tôn giáo Lu-ít Ma-ri-a (7/2008), Đoàn Thị trưởng Thành phố Bu-ê-nốt Ai-rết Mau-ri-xi-ô Ma-cri(7/2008)… Về phía Việt Nam có các đoàn: Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004), nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010), nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (9/1999), nguyên Bộ trưởng Văn hoá và Thông tin Nguyễn Khoa Điềm (2000), nguyên Tổng thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh (6/1998)...

Hai nước đã ký kết nhiều Hiệp định, Thoả thuận hợp tác: Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hợp tác Kinh tế-Thương mại, Hợp tác Công và Nông nghiệp, Hợp tác Thú y, Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (1996), Hợp tác Khoa học-Công nghệ, Hợp tác hai ngành Thanh tra (1997), Hợp tác Thể thao (1999), Hợp tác Văn hóa-Giáo dục (2000) và Hợp tác Sử dụng Năng lượng Hạt nhân vào Mục đích Hòa bình (2002), thoả thuận hợp tác về dầu khí giữa PVN và ENARSA, MOU cấp Bộ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí (3/2009). Hai nước đã khôi phục lại hoạt động của Ủy ban Hợp tác liên chính phủ (thành lập từ năm 1999), tiến hành khóa họp II tại Bu-ê-nốt Ai-rết (5/2009). Trong chuyến thăm Argentina của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (4/2010), hai bên đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác Năng lượng, Bản ghi nhớ giữa hai Bộ Ngoại giao về đàm phán kinh tế - Thương mại và Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2010-2012 giữa hai Bộ Văn hóa.

Trao đổi thương mại song phương liên tục gia tăng: năm 2007: 316 triệu USD; 2008: trên 400 triệu USD; năm 2009: 634 triệu USD; 7 tháng đầu năm 2010: trên 576 triệu USD (ta xuất được 43,4 triệu USD và nhập 533,9 triệu USD). Các mặt hàng chính ta xuất khẩu: dệt may, giầy dép, cao su, điện-điện tử, nồi hơi, thiết bị dụng cụ cơ khí, đồ gỗ, phụ tùng xe đạp và xe máy, va-li và túi xách, hàng thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng chính ta nhập khẩu: đậu tương, lúa mì, phụ phẩm gia súc, tân dược, hoá chất, chất dẻo, sợi các loại, nguyên phụ liệu dệt may, máy móc, ô tô, linh kiện ô tô, sữa và sản phẩm sữa, da bò, gỗ, hạt nhựa, thép, rượu vang. Về đầu tư tại Việt Nam, Ác-hen-ti-na có dự án sản xuất các sản phẩm sinh học (phân bón, thuốc diệt côn trùng, thuốc kích thích rau quả) với vốn khoảng 120.000 USD; đặc biệt, Tập đoàn Công nghiệp Luyện kim IMPSA của Ác-hen-ti-na và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đang triển khai 03 các dự án phong điện và thủy điện tại Việt Nam với số vốn có thể lên tới 3,2 tỷ USD.

Quan hệ trên các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, nghệ thuật, thể thao… cũng được tăng cường: Giao lưu giữa các trường đại học Ác-hen-ti-na với các trường đại học Việt Nam;  tổ chức triển lãm tranh ảnh nghệ thuật ở hai nước; Ác-hen-ti-na cử đoàn nghệ thuật tham gia biểu diễn tại Festival Huế (6/2004); Ac-hen-ti-na đồng ý giúp Việt Nam phát triển bộ môn bóng đá, tập đoàn IMPSA cam kết tặng Việt Nam 10 học bổng về chuyên ngành rượu vang tại Đại học Tổng hợp Mên-đô-xa... Hai bên cũng đã trao đổi một số đoàn nghiên cứu khoa học trong đó có đoàn năng lượng nguyên tử và đoàn nhân chủng học pháp y của bạn đã thăm và làm việc tại Việt Nam.

Hai bên duy trì tốt sự phối hợp và hợp tác tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế mà hai nước đều là thành viên như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).... Ác-hen-ti-na ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO và làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an/Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009; công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ WTO (trao đổi thông tin và kinh nghiệm , đào tạo cán bộ…). Ta ủng hộ Ác-hen-ti-na làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2004-2005; Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2008-2011; Hội đồng Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) nhiệm kỳ 2010-2012 và Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2010-2012./.

Tháng 10/2010

​​

  ​​  ​​​​​​​​​​​​​   ​​​